Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai - THẦY XƯA NAY ĐÃ GIÀ RỒI…
THẦY XƯA NAY ĐÃ GIÀ RỒI…
1) Thầy Phạm Đức Bảo
- Người này chết, người này chết, ngươi kia chết (?!…) chỉ còn tôi là chưa chết…
Đó là câu nói “kinh điển” mà mỗi bận đến thăm thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo, Sáo Lý Luận đã nghe thầy nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Thế rồi thầy Phạm Đức Bảo giờ cũng cưỡi hạc qui tiên, theo đúng nhân sinh quan “bình tĩnh sống, rồi bình thản… chết” lúc sinh tiền của thầy hiệu trưởng…
Trong chuyến đi thăm thầy cô giáo cũ năm nay, Dung Phùng và Sáo Lý Luận đã đồng lòng:
- Mình tránh hỏi han chuyện đau bệnh của thầy cô nha, cứ mặc nhiên xem thầy cô giáo cũ của tụi mình vẫn như ngày xưa…
2) Thầy Lâm Tấn Văn
Đến thăm thầy Lâm Tấn Văn, Sáo vẫn phải “lớn tiếng” giống y như những lần trước. Rồi Sáo liên tục lung lay Thầy mở mắt, để thầy Văn dễ dàng “tương tác” với học trò xưa …
- Em Diệp Hoàng Mai nè, Thầy ơi!…
- Em là Phùng Ngọc Dung nè, thầy nhớ em không?…
Cô Nhung có vẻ buồn nhiều hơn những lần trước Sáo đến thăm thầy cô, vì vậy Sáo rất hiểu có “ nói năng chi cũng thừa…” (*) vào lúc thế này. Sáo chỉ còn cách khích lệ tinh thần cô Nhung “được lúc nào hay lúc ấy…” mà thôi. Cô Nhung gật đầu đồng ý với Sáo, mà nét mặt cô buồn rười rượi...
Cũng có thể do may mắn có nhiều cơ hội tiếp xúc với thầy cô luống tuổi, mà đứa học trò “chậm phát triển” như Sáo Lý Luận mới được “lão hóa sớm” hơn trong suy nghĩ, để Sáo dễ dàng chấp nhận mọi diễn biến thuận tự nhiên của qui luật nhân sinh. Ngẫm lại thì chỉ hai năm nữa thôi, Sáo Lý Luận cũng bước chân vào hàng “thất thập cổ lai hy” rồi. Vậy thì việc “ xa lắm cửa sinh, gần hơn bến tử” là chuyện hiển nhiên của Sáo… Còn lại khoảng thời gian ngắn ngủi của cuộc đời, Sáo đã chú tâm sắp xếp đoạn đường “trở về nhà” của mình, chỉ cầu mong sao được “thanh thản chết…” như lời thầy hiệu trưởng thì tuyệt vời cho Sáo biết bao nhiêu…
3) Thầy Lê Hoàng Long
Thầy cô giáo cũ của anh chị em mình giờ đây già yếu là chuyện hiển nhiên, không thể nào khác được. Ngay đến học trò của thầy cô cũng ngã nghiêng xiêu vẹo, cho nên thầy cô của anh chị em mình mà không già không yếu, không bệnh không đau là điều… kỳ dị lắm luôn.
Cũng như những lần trước Sáo đến thăm, thầy giáo - nhạc sĩ Lê Hoàng Long vẫn đang nằm say ngủ. Nhưng lần này thì Sáo và Dung không ngăn cô Hoàng lay thầy thức giấc, biết có học trò cũ đến thăm chắc chắn thầy sẽ rất vui…
Ánh sáng nhạt nhòa trong con mắt còn lại của thầy Long nhìn học trò già, rồi thầy đưa bàn tay yếu ớt vẫy nhẹ chào từng đứa. Nằm một chỗ nhiều năm nên gia đình chăm thầy khá vất vả, điều dưỡng phải đến làm vệ sinh những nơi bị lỡ loét và thay băng cho thầy giáo mỗi ngày…
- Chăm sóc thầy là trách nhiệm của cô đối với chồng mình mà, nhưng nhìn ông xuống sắc mỗi ngày cô đau lòng lắm…
Nghe mà thương quá chừng cô giáo dạy Việt Văn của trường trung học Gia Định ngày nào, cũng là “nơi gặp gỡ của tình yêu…” chắp nối thầy Long với cô Hoàng, sau khi người phối ngẫu của hai phía đều sinh ly tử biệt …
4) Thầy Đoàn Viết Biên
Thầy Đoàn Viết Biên tươi tắn hơn lần Sáo đưa hai chị Dung & Hồng đến thăm, thầy cười rất tươi nhưng lại rất ít nói. Lần này thì thầy hết nhận ra “ Cái Mai ở Biên Hòa…” nữa rồi, cũng giống hệt Thầy Lê Hoàng Long không còn nhận ra Sáo là ai nữa.
Thì hai thầy giáo của anh chị em mình đều thuộc hàng “Chín” quá chín rồi còn đâu? Do vậy trí nhớ của hai thầy bị hao mòn giảm sút, là điều hết sức bình thường mà…
5) Thầy Trần Thái Hùng
Thầy Trần Thái Hùng thì luôn nhớ về những buổi cafe họp mặt với đồng nghiệp cũ trước đây:
- Sau bao nhiêu năm nghỉ dạy học, có dịp gặp lại bạn bè gọi nhau hai tiếng “mầy - tao” rất tự nhiên, thầy nghe nó “đã cái lỗ tai…” gì đâu…
Quan niệm sống của thầy Hùng đối với Sáo cũng khá thú vị, bởi theo thầy Hùng thì “… cứ an nhiên chấp nhận mọi diễn biến tuổi về già. Việc gì đến sẽ đến, thầy sẵn sàng đón nhận mà không âu lo hay nghĩ ngợi gì nhiều. Lo lắng lắm cũng chẳng ích lợi gì, mà còn hại cho sức khỏe của mình nữa…
- Chuyển dùm thầy lời chúc sức khỏe đến bất cứ thầy cô các em có dịp gặp, chứ việc đi lại để cafe trò chuyện với thầy bây giờ thì không thể nữa rồi..
6) Thầy Trịnh Hồng Hải
Chuyến đi thăm thầy cô giáo cũ năm nay tuy ngắn, gọn, nhẹ, lẹ… nhưng rất vui. Đến nhà thầy cô nào Sáo và Dung cũng "quậy" tưng bánh xe bò, Sáo hót toàn chuyện hài hước khiến cho cả nhà thầy cô rộn rã vui từ đầu đến… cẳng. Thầy Trịnh Hồng Hải đang điều trị bệnh K mà Sáo cũng rộn ràng ầm ĩ, khiến thầy lẫn cô đều thoải mái cười tươi hết lốc luôn...
Thời gian thầy trò gặp gỡ không nhiều, vì vậy những câu chuyện lạc quan có thể phần nào xua tan bớt không gian ảm đạm u hoài… vì bệnh tật. Cảm xúc không tiết chế như “nhảy đùng đùng, giãy đành đạch, xi-xi tá lã âm binh…” với những thông tin không tích cực, sẽ ảnh hưởng không tốt đến tinh thần những người cao niên như thầy cô giáo cũ của anh chị em mình, càng khiến cho thầy cô dễ dàng rơi vào trạng thái bất an u uẩn thêm thôi…
7) Thầy Phạm Thăng Long (1)
Sáng sớm ngày 20 tháng 11 năm 2024, khi chiếc xe xuất phát chừng mươi phút là Sáo nhận được cuộc gọi của em Kiều, con dâu trưởng của Thầy Phạm Thăng Long:
- Cô Mai ơi “phái đoàn” đến thăm bố mẹ cháu có bao nhiêu người (?!…) cô cho cháu biết để cháu “lên món” nấu ăn đãi phái đoàn…
- Không, đừng nấu nướng gì cả Kiều ơi! Cô Mai còn chạy vô nội thành thăm thầy cô khác nữa, cô không dùng bữa với gia đình được đâu…
Mặc dù kiên quyết từ chối nhưng thầy cô Phạm Thăng Long và em Kiều quá nhiệt tình mời, Dung và Sáo đành “ra món” để không phụ lòng thầy cô:
- Kiều ơi, cho cô điểm tâm món bánh cuốn chả lụa cho nhanh gọn lẹ nhẹ (?!…) nha…
7) Thầy Phạm Thăng Long (2)
Câu chuyện tại nhà thầy Phạm Thăng Long giòn tan không dứt, cứ “ký tên rồi… tái bút” mấy bận hai đứa học trò già mới “chấm hết” được câu chuyện để lên xe đi tiếp. Thấy thức ăn chưa dùng hết, Sáo xin thầy cô “ túm vô túi nhựa” mang lên xe… ăn tiếp. Em Kiều còn ân cần tặng Dung và Sáo 2 quả đu đủ vàng ươm:
- Là bố Long dặn cháu mua biếu hai cô, bố bảo cô Mai ở xứ bưởi nên không chọn bưởi làm quà…
Kẹt xe là “đặc sản” của Sài Gòn nên lộ trình thăm viếng thầy cô hằng năm, Sáo luôn bảo lái xe chủ động tính toán đường đi lối về:
- Con chỉ cần báo cô Mai biết điểm đến trước chừng 25 - 30 phút là được…
8) Cô ĐàoThị Nga
Trở lại Biên Hòa Sáo và Dung đến viếng cô Đào Thị Nga; thăm thầy giám thị Ngô Văn Huỳnh; cô Võ Thu Thủy; cô Khương Thị Bàn, thầy Nguyễn Thành Dũng… Liền ngay sau đó Sáo vội vàng dừng bước giang hồ, bởi nếu tiếp tục thế nào cũng sinh sự chuyện (?!…) bởi những “hội chứng” thất thường tuổi cao niên của Sáo…
9) Thầy giám thị Ngô Văn Huỳnh
10) Cô Võ Thu Thủy + cô Khương Thị Bàn + Phu nhân Thầy Nguyễn Thành Dũng
Đã tự lượng sức già (?!…) nên năm 2023 Sáo đã chào tạm biệt thầy cô, báo tin chuyển nơi cư trú về phố núi. Thế nhưng cận kề tháng Mười Một năm nay, Sáo vẫn chuẩn bị trước những món quà Tri Ân Thầy Cô để Sáo “lên đường” bất cứ lúc nào có thể… Nhờ tinh thần “sắp sẵn” của hướng đạo sinh, mà món quà của nhóm chs.NQBH (1956 -1975) đã kịp đến bên giường bệnh Tri Ân thầy Nguyễn Viết Long, trước khi thầy xưa nhắm mắt xuôi tay tạ từ dương thế…
11) Thầy Nguyễn Viết Long,
Thầy Xưa nay đã già rồi, và Trò Xưa của quý thầy cô cũng không còn trẻ nữa… Thế nhưng tình nghĩa Thầy Trò Trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa năm xưa nay vẫn vậy, không hề nhạt phai theo tháng rộng năm dài cho dù hơn nửa thế kỷ thăng trầm của đời người đã trãi qua nhanh…
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai
Tháng 11/ 2024
(*) Trích thơ Nguyễn Tất Nhiên;
Phụ Đính:
Xin bấm vào link bên dưới để xem:
TRƯỜNG TRUNG HOC NGÔ QUYỀN BIÊN HÒA XƯA_TEACHERS DAY 2024