Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 39 - THẦY KIỀU VĨNH PHÚC

22 Tháng Năm 20142:56 SA(Xem: 13321)
MGTT 39 - THẦY KIỀU VĨNH PHÚC


MGTT 39 - THẦY KIỀU VĨNH PHÚC

ThayKVPhuc-2

Xin được mượn lời giới thiệu của nhà xuất bản Tam Vĩnh ở Luân Đôn giới thiệu về tác phẩm "Bóng ngày vui" để mở đầu cho MGTT 39 về Thầy Kiều Vĩnh Phúc, nguyên giáo sư Anh văn của trường Ngô Quyền.

"Các cựu học sinh trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa, dù nay đang sống trong hay ngoài nước, chắc chắn đã hơn một lần hoặc bằng hồi tưởng, hoặc trở về đứng trước cổng trường mong tìm lại những kỷ niệm xưa. Nhưng đau đớn thấy rằng ngôi trường cũ rất thân yêu, nơi họ đã từng sống những ngày tháng đầy ước mơ đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, nay chỉ thấy một kiến trúc đồ sộ, rất lạnh lùng, xa lạ"

Và như vậy, xin cùng về thăm trường xưa yêu dấu qua chữ nghĩa với "những hồi ức phong phú và sắc bén" của Thầy Kiều Vĩnh Phúc; những cảm nghĩ chân thành của anh Phan Kim Phẩm (học trò cũ của Thầy Phúc), và Nguyễn Trần Diệu Hương (học trò mới... đây) của Thầy.

BONG NGAY VUI

Tôi có cơ duyên giữ được chữ ký và thủ bút của các cựu Giáo sư Ngô Quyền trên những quyển Đặc san, Tuyển tập Ngô Quyền, và ngay cả trên các tác phẩm đã được in thành sách của quý Thầy ”Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Lục, và Kiều Vĩnh Phúc. Đó có lẽ là một "bù trừ" của ơn trên dành cho tôi vì sau cuộc đổi đời tháng 4 năm 1975, tôi mất nhiều thứ, và một trong những thứ tôi tiếc nhất là mấy cái thành tích biểu màu vàng có chữ ký và lời phê của các Thầy Cô trực tiếp dạy tôi trong những năm đầu Trung học ở Ngô Quyền. Những "tài sản cá nhân vô giá" mà hồi đó tôi cứ nghĩ là mình sẽ giữ được suốt đời.

Ở MGTT 39, xin được đặc biệt giới thiệu về tác phẩm "Bóng ngày vui" của Thầy Kiều Vĩnh Phúc. Thầy đã mượn truyện ngắn gần 300 trang này để kể lại thời đi dạy của mình ở trường Ngô Quyền vào trong thập niên 60s. Thầy gởi gấm kỷ niệm của chính mình qua nhân vật Khải cũng dạy Anh văn trong "Bóng ngày vui". Bất cứ một chs NQ nào đọc "Bóng ngày vui" cũng thầy lại hình ảnh của Thầy Đinh Văn Sái qua nhân vật "cụ Lộc", dạy... “Tây văn”, thấy lại cả một thời tuổi trẻ của mình ở Ngô Quyền và Biên Hòa yêu dấu ngày xưa.

Hồi đó còn trẻ, phụ trách môn Anh văn, Thầy luôn luôn giữ bộ mặt nghiêm trang của các nhà mô phạm. Vì dạy Anh văn nên lâu lâu học trò của Thầy mới được nghe Thầy nói tiếng Việt. Và những lúc như vậy các anh chị cứ ước gì Thầy dạy Việt văn để có thể nghe giọng Bắc rất chuẩn và rất ấm áp của Thầy.

Tôi rời Biên Hòa, rời Ngô Quyền khi chưa đủ lớn để biết đến những xao động đầu đời thoáng qua của các nam sinh NQ với cô bạn cùng lớp hay ở lớp đàn em, hay những nhịp đập tim loạn xạ của các nữ sinh đệ nhị cấp khi ông thầy trẻ dạy Anh văn có giọng nói Bắc kỳ 54 ấm áp gọi đúng tên mình. Nhưng cứ mỗi lần họp Ban tổ chức họp mặt chs NQ ở phòng mạch của anh Huỳnh Quan Minh là tôi lại có dịp nghe các anh chị K3 đến K13 nhắc đến rất nhiều cựu giáo sư Ngô Quyền, trong đó có Thầy Kiều Vĩnh Phúc.

Gần đây, được sự ủy nhiệm của anh Minh, với sự giúp đỡ của chị Huệ, tôi gọi điện thoại mời Thầy Kiều Vĩnh Phúc về dự họp mặt truyền thống NQ lần thứ 13 ở Milpitas. Thầy không thể tham dự vì sẽ ở Luân Đôn trong thời gian họp mặt. Là một người chuyên đi phỏng vấn người khác trong thời gian làm biên tập viên cho đài BBC ở Anh quốc, lần này Thầy bị phỏng vấn, chính xác là phải dạy qua phone cho tôi các khái niệm về “hệ thống truyền thông không kinh doanh vì lợi nhuận” ở Anh, Pháp, và Mỹ .

Tôi đã học được rất nhiều điều từ Thầy Kiều Vĩnh Phúc qua phone như đã học được từ rất nhiều Thầy Cô khác. Mới thấy không chỉ ở khung cửa lớp Ngô Quyền, mà chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ các Thầy Cô bất cứ ở đâu.

Thầy có nhắc đến những học trò giỏi, ngoan, và rất đứng đắn của Thầy như các anh chị: Bùi Thị Hảo, Phạm Thị Hạnh, Huỳnh Quan Minh… Có được những Thầy Cô nhiệt tâm như quý Thầy Cô ở Ngô Quyền xưa, như Thầy Kiều Vĩnh Phúc thì không có gì ngạc nhiên khi từ Đông sang Tây, từ quê nhà đến quê người, có những chs NQ không những chỉ thành công, mà còn thành nhân, luôn luôn kính Thầy, thương bạn như thời mới lớn.

82__VuiBuon___Dieu_Huong-content










Nguyễn Trần Diệu Hương





Thay PhucPhan Kim Phẩm và Thầy Cô Kiều Vĩnh Phúc

Thầy Phúc là giáo sư Anh văn của tôi và Lynh ở lớp Tứ Hai và là một vị thầy mà cá nhân tôi có nhiều kỷ niệm nhất. Trong thời gian học thì thầy tuyên bố là sẽ “lên xe hoa với người yêu” và thầy có mời các em học sinh, nếu có cơ hội, thì lên Sài Gòn chung vui với thầy. Lúc ấy thầy Phúc không những là thần tượng của đám con gái tứ Hai mà cũng là thần tượng của bọn con trai nên tôi, Lùng, Hội và một tên nữa mà tôi quên tên, đồng ý với nhau là sẽ lên Saigon tham dự tiệc cưới của thầy. Thế là bốn đứa chúng tôi đi xe lô, ba của Lùng lái, đưa chúng tôi lên Sài Gòn ăn cưới thầy cô. Thật là buồn cười cho chúng tôi là vì “mê” thầy quá mà bọn quê mùa tỉnh lẻ không quản ngại đường xá xa xăm đêm khuya trời tối cũng ráng lần mò đến chia vui cùng với thầy cô và ăn cưới. Sau khi tiệc xong trên đường về thì cả bọn chúng tôi như bị mất hồn. Mất hồn không phải vì sự hào nhoáng của thủ đô mà “hồn đi mất” vì mấy cô “Bắc kỳ nho nhỏ” em vợ thầy Phúc quá xinh và quá “Bắc”! Có lẽ vì thế mà sau nầy tôi lấy vợ là Bắc kỳ Hà Nội chăng? Khi gặp thầy cô trong lần nầy thì thầy và tôi có nhắc lại chuyện tôi cùng các bạn đi dự tiệc cưới của thầy. Thầy cho biết đáng lẽ thầy sẽ cản chúng tôi lên Sài Gòn ăn cưới vì quá nguy hiểm và nếu có chuyện không hay xẩy ra cho tụi nầy thì thầy sẽ ân hận suốt đời. Cô thì nói là còn giữ tấm ảnh chụp thầy cô và chúng tôi tại tiệc cưới. Tôi hy vọng là một ngày đẹp trời thầy cô sẽ scan và cho tôi tấm hình kỷ niệm ấy. Khi đó tôi sẽ chia sẻ với thầy cô và các bạn tấm hình của hơn 40 năm trước!

Pham 1








Phan Kim Phẩm



bnv-bia-truoc-sau-BNVui


Niên học 1962-1963 tôi về dạy tại trường trung học Ngô Quyền tỉnh Biên Hòa. Hồi đó căn cứ không quân Biên Hòa chưa phát triển, người Mỹ chưa đổ sang Việt Nam nhiều, nên tỉnh này còn vắng vẻ và thơ mộng. Trăng nước Đồng Nai (1) còn nhiều sức quyến rũ khách phương xa và chưa bị nếp sống xô bồ phá mất sự tĩnh lặng cố hữu của một tỉnh nổi tiếng là có những vườn bưởi đặc sản ngon nhất ở Nam Bộ. Niên học 63-64, một trong những lớp tôi được giao phó dạy Anh văn kiêm luôn phận sự Hướng Dẫn là lớp Đệ Tứ A2 gồm toàn nữ sinh (sau tháng 4 năm 75 gọi là giáo viên Chủ Nhiệm). Học sinh thời đó còn rất hiền lành và chăm học. Chưa thấy ảnh hưởng của lối sống bon chen vật chất đối với một số người, như vào những năm càng về sau này là lúc đã có nhiều quân nhân Mỹ trú đóng ở Biên Hòa, đến nỗi một cô nữ sinh đã phải than với tôi rằng: “Thầy ơi, bây giờ cuộc sống ở đây 'bầy hầy' quá !” Tuy nhiên, học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, trọng kỷ luật, lễ nghĩa, không nhất thiết là họ không biết nghịch ngợm phá phách. Và đôi khi những trò tinh nghịch của họ cũng làm cho các thầy cô nhức đầu không ít.

Khoảng những năm đó, ở Miền Nam có chương trình phát thanh của Dạ Lan, một giọng nữ rất ướt át gửi tới các chiến sĩ trong chương trình phát thanh hàng tuần nhằm động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ . Ngoài ra, cứ mỗi dịp Tết đến thì một số trường bắt nữ sinh viết thư và thêu khăn tay để gửi ra các đơn vị tiền tuyến ủy lạo chiến sĩ, giúp họ bớt cảm thấy cô đơn và nâng cao tinh thần chiến đấu. Do đó, các nữ sinh của trường trung học Ngô Quyền cũng được vinh dự làm công tác này. Chẳng biết lệnh đó do đâu ban ra, nhưng trong thâm tâm, nhiều nhà giáo đã thấy việc làm này chỉ có tính cách hình thức chứ thực chất có lẽ không đem lại được mấy kết quả. Và trong số các nữ sinh ngồi thêu khăn tay và gò gẫm viết những lá thư gửi Anh chiến sĩ không biết mặt, hẳn cũng có những cô không cảm thấy hào hứng chút nào. Bởi thế mới xẩy ra một tai nạn cho lớp do tôi phụ trách hướng dẫn. Trong lớp có một nữ sinh thuộc loại học giỏi, lanh lợi nhưng cũng rất tinh nghịch (tôi tạm dấu tên). Hôm được chỉ định cùng các bạn ngồi viết thư để gửi kèm tấm khăn tay ra tiền tuyến ủy lạo chiến sĩ, không hiểu do ngẫu hứng từ đâu mà cô này đã mở đầu lá thư với những lời như sau (Tôi chỉ nhớ đại khái, vì lâu quá rồi)

“Anh chiến sĩ thương mến,

Em tên là Dạ Con, mẹ của Dạ Lan ... (tiếp tục lá thư)”

May quá, có lệnh rằng tất cả các thư sau khi viết xong phải nạp cho các vị nữ giáo sư kiểm soát lại. Có lẽ với mục đích loại bỏ những thư viết dở quá, không làm cho các anh chiến sĩ tiền tuyến xúc động nổi! Nhờ vậy mà các cô giáo đã khám phá ra điều tai hại này. Thế là câu chuyện loan truyền nhanh như một tia chớp. May mắn đó là thời của chính thể Cộng Hòa chứ nếu vào thời Cộng sản thì biến cố này chắc chắn bị khép vào loại mang tính chất phá hoại, phản động. Tôi thấy quê quá, khi một cô giáo nói lớn:

- Ông Phúc, lại đây mà đọc lá thư của học trò ông viết đây này! Chết thật, thế này mà không khám phá ra kịp, để lá thư gửi đi thì đẹp mặt cả trường nhé!

Thoạt đầu tôi hơi bực mình một chút vì cô nữ sinh này viết bậy bạ để cho thầy bị lôi ra mắng vốn, nhưng thực sự sau đó trong bụng buồn cười lắm. Và cũng ngầm phục sự tinh quái của cô học trò. Ông Giám Học Phan Thanh Hoài, một người hiền lành đạo đức, và ông Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo, trông bề ngoài có vẻ dữ dằn nhưng thực sự cũng hiền, có lẽ cả hai đều ngầm có chung nhận xét như tôi mà không nói ra. Cho nên ai cũng vờ tỏ ra khó chịu vì có một học sinh phạm kỷ luật có thể làm mang tiếng cả trường. Ông Hiệu Trưởng quyết định là cần phải nhân dịp này đề cao kỷ luật nhà trường để cho tất cả học sinh tởn đến già, đừng cô cậu nào từ nay dám nghĩ tới cái trò nghịch ngợm tinh quái như vậy nữa. Thế là vào buổi lễ chào cờ sáng Thứ Hai tuần kế đó, cô nữ sinh kia bị gọi ra trước cột cờ nghe đọc bản cáo trạng và lệnh trừng phạt: Bị đánh đòn ngay ở chân cột cờ, trước sự chứng kiến của ban giáo sư và học sinh toàn trường.

Ông Hiệu Trưởng vốn to con, tay lăm lăm con roi mây, mang vẻ mặt nghiêm khắc và giận dữ cho phù hợp với hoàn cảnh, khiến cho phạm nhân sợ xanh mặt, rối rít khóc lóc van xin tha tội. Như đã dự định từ trước, nên đợi đến lúc đó, tôi bước ra, nhân danh giáo sư hướng dẫn của lớp mà xin lỗi ông Hiệu Trưởng và toàn ban giáo sư về sự sơ sót không dạy dỗ và kiểm soát kỹ, để cho một học sinh của lớp phạm kỷ luật, viết lách bậy bạ, có thể làm ô danh cả trường. Tôi xin nhận hết trách nhiệm, và xin ông Hiệu Trưởng khoan hồng cho em nữ sinh kia. Tiếp theo, ông Giám Học Phan Thanh Hoài cũng tiến ra nói đôi lời đại ý cũng nhận một phần liên đới trách nhiệm, và cũng xin ông Hiệu Trưởng tạm tha cho em nữ sinh này, vì đây mới là lần đầu tiên em phạm kỷ luật. Hình như còn một hai vị giáo chức nữa xin khoan hồng cho nữ sinh này(?). Tới đó, ông Hiệu Trưởng mới tỏ ra nể lời lắm, tạm tha cho, và đe dọa nếu còn tái phạm thì sẽ đuổi học luôn! Sau màn kịch đằng đằng sát khí đó, chắc chắn chẳng cô nữ sinh nào dù rắn mắt tới đâu, dám nghĩ tới chuyện sáng tác những lá thư tương tự.

Một lần khác, lại một vụ nhất quỉ nhì ma xảy ra nhưng chỉ có mình tôi và mấy học sinh liên hệ biết mà thôi. Và câu chuyện cũng không đến nỗi nghiêm trọng lắm, trái lại còn mang tính chất văn nghệ (theo thiển ý). Đó là vào khoảng gần cuối thập niên 1960 (?). Hôm đó gần đến dịp nghỉ hè, cho nên cả thầy lẫn trò đều mang tâm trạng hơi phóng túng. Thầy thì dễ dãi còn trò thì háo hức vì sắp được nghỉ mấy tháng hè rong chơi đặc biệt đối với những lớp không đi thi. Hôm đó tôi dạy một lớp đệ Tam (sau này gọi là lớp 10) ở cuối dẫy phòng học trên lầu. Còn chừng 5 phút nữa mới tới giờ ra chơi. Tuy chưa nghe chuông reo, nhưng vì đã dạy hết bài và học trò (cả lớp là nam sinh) xin thầy cho ra sớm một chút, nên tôi cũng dễ dãi gật đầu. Thế là đám tiểu quỉ chạy ùa ra hết. Tôi còn đang thu xếp mấy cuốn sách thì bỗng nghe ngoài hành lang phía trước lớp bên cạnh có tiếng hát. Thì ra, bên đó cũng là một lớp đệ tam, nhưng học Pháp văn với cô giáo L. Th. M., một cô giáo trông còn trẻ như một nữ sinh lớp đệ nhị hay đệ nhất vậy. Chừng 5, 6 tên tiểu quỉ của tôi đang tụ lại bên ngoài, phía trước lớp của cô M., rồi tất cả cất giọng hợp ca một bài hát (Tôi quên mất tên tác giả, hình như tựa là Em Yêu Ai ?) với những câu: “Nếu hỏi rằng em yêu ai, thì em rằng em yêu Ba này, thì em rằng em yêu Má này, yêu Thầy yêu Cô, yêu hết mọi người”. Tới đó, một cậu bèn cất cao giọng: “Nhưng--- yêu nhất là Cô Giáo cơ!” Tôi hoảng quá, vội vàng vơ mấy cuốn sách rồi bước ra, giả vờ ho lên mấy tiếng. Thế là đám tiểu quỉ ngưng bặt, trong chớp mắt biến mất hết xuống cầu thang phía cuối hành lang đằng kia. Tôi vờ như không nghe, không thấy gì cả, cố giữ vẻ mặt nghiêm trang bước nhanh, vì sợ bị cô giáo kêu lại mắng vốn. Nhưng chân bước mà không khỏi thầm nghĩ rằng cô giáo lớp bên cạnh hẳn cũng đã got the message, còn đám nam sinh kia thì ... lếu quá ! Tuy nhiên họ lếu một cách khá thông minh!

Nay đã gần 40 năm trôi qua, thầy trò đều lưu lạc mỗi người một phương trời. Đám tiểu quỉ của tôi hẳn đầu đã hai thứ tóc, và có người có lẽ đã thành ông nội, ông ngoại không chừng. Liệu trong số này, có ông nào còn nhớ chuyện cũ đó không?

RMS-Thay KVPhuc








GS Kiều Vĩnh Phúc

15 Tháng Giêng 2024(Xem: 3072)
Họp mặt mini của Thầy trò Ngô Quyền ở thủ phủ Austin ở một tiểu bang được mệnh danh là "Everything's big here" vào cuối tháng 11 năm 2023 được chúng tôi gọi là "Tạ ơn ở Austin".
23 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2531)
Mỗi năm một lần, vào mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, trước buổi tiệc Thanksgiving chúng tôi vẫn thầm cảm ơn cha mẹ, Thầy Cô, những người đã hy sinh một phần đời để chúng tôi có được ngày hôm nay.
23 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2478)
Mùa lễ Tạ ơn đang về ở Mỹ, xin mượn ánh sáng từ lò sưởi thắp sáng thời đèn sách ở Ngô Quyền, và một lần nữa xin gởi lòng biết ơn chân thành đến quý Thầy Cô, đến các bậc sinh thành.
24 Tháng Mười Một 2021(Xem: 3039)
Xin tạ ơn những hạnh ngộ của cuộc đời đã đưa nhiều thế hệ cựu học sinh Ngô Quyền đến bên nhau ở quê người để cùng giữ lửa Việt Nam soi sáng thời đi học ngày xưa.
24 Tháng Mười Một 2020(Xem: 3683)
Sau công cha mẹ ... ấy ơn thầy Ghi nhớ muôn đời chẳng nhạt phai Giũa chữ... cô rèn bao tính tốt Khơi tâm... thầy luyện lắm điều hay Ra sông người chống cơn triều dữ Đến bến trò mang giấc mộng đầy
21 Tháng Tám 2020(Xem: 4733)
Nhưng than ôi! Đã đến lúc chiếc gậy chống không thể nào dẫn dắt Chiếc xe lăn đưa Thầy đến dự mỗi lần Tuổi càng cao sức khỏe yếu dần. Ngày 7 tháng 8 Thầy rời xa dương thế.
08 Tháng Tám 2020(Xem: 4418)
Giờ đây chúng em là những đứa học trò đã già, vẫn nhớ thương và tiếc nuối khi Thầy bỏ chúng em đi, Nhưng lẽ đời, Thầy là sông rộng chúng em là suối nhỏ; rồi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau ra biển lớn
26 Tháng Mười Một 2019(Xem: 7108)
Xin kính cảm ơn quý Thầy Cô đã góp phần tạo nên những chs Ngô Quyền thành đạt, những chs NQ luôn giữ được phẩm hạnh, và nhân cách của con cháu Vua Ngô Quyền...
20 Tháng Mười Một 2018(Xem: 11785)
Sau cùng, xin tạ ơn đời đã cho chúng ta đươc một thời hãnh diện mang phù hiệu Ngô Quyền trên ngực áo, và cơ duyên hạnh ngộ trong những lần họp mặt chs Ngô Quyền.
08 Tháng Tư 2018(Xem: 10075)
MGTT 46 là nén hương lòng thành kính của lớp 7/1 K15 viếng GS hướng dẫn Bạch Thị Bê (1938-2018)
18 Tháng Mười Một 2017(Xem: 16187)
Thầy Cô mang theo mình lời “Lương Sư Hưng Quốc” Trò cũng đau đáu trong lòng câu “Nhất Tự Vi Sư”
24 Tháng Mười Một 2016(Xem: 13158)
Nhân lễ Tạ ơn 2016 ở Mỹ, xin được một lần nữa, tri ân quý Thầy Cô đã khai tâm cho chúng ta, đã ít nhiều góp phần cho ta có được ngày hôm nay.
24 Tháng Mười Một 2015(Xem: 25281)
Xin tạ ơn đời đã cho tất cả chúng ta có duyên hạnh ngộ ở ngôi trường Trung học công lập Ngô Quyền ngày nào cạnh dòng sông Đồng Nai hiền hòa góp phần nuôi ta khôn lớn.
15 Tháng Tám 2015(Xem: 19893)
Bên cạnh thiên chức của một nhà mô phạm, Thầy Nguyễn Viết Long của cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 còn thắp sáng niềm tin cho học trò với nhiệt tình của một nhà giáo trẻ.
17 Tháng Giêng 2015(Xem: 61970)
cuối cùng chúng tôi được "gặp" lại Thầy Dương Thanh Tùng, giáo sư Sử ngày xưa ở Ngô Quyền sau gần 40 năm.